Nhắc tới Quảng Bình, ngoài những danh lanh thắng cảnh tuyệt đẹp được thiên nhiên ưu ái ban tặng như động Phong Nha- Kẻ Bàng thì Quảng Bình còn là một vùng đất giàu tính lịch sử với những địa điểm du lịch tâm linh gắn liền với lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng cùng nhiều giá trị tinh thần khác của người dân Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.
Du lịch tâm linh là gì?
Du lịch tâm linh là cách thức du lịch lấy yếu tố tâm linh làm cốt lõi, mục tiêu để phục vụ nhu cầu tâm linh, đời sống tinh thần của con người. Bởi đời sống tâm linh từ lâu đã gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam.

Du lịch tâm linh thường đi cùng với những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể mang đậm tính lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng và nhiều những giá trị tinh thần khác. Du lịch tâm linh mang đến đồng thời cả việc khám phá vùng đất mới và cả việc trải nghiệm những giá trị, cảm nhận sự khác lạ trong tinh thần.

Ý nghĩa của du lịch tâm linh
Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch giúp du khách trở về với cội nguồn, tìm lại lịch sử, tìm hiểu tín ngưỡng dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp sẽ không phai nhòa theo tháng năm.

Du lịch tâm linh giúp tâm hồn an nhiên, tĩnh lặng, giải tỏa áp lực, thư giãn, củng cố niềm tin cho con người về những giá trị chân, thiện, mỹ. Thông qua những điểm du lịch tâm linh không chỉ giúp du khách Việt Nam và quốc tế có những góc nhìn mới lạ về đất nước, con người mà còn giúp kinh tế của địa phương phát triển.

Phân loại tâm linh
Du lịch tâm linh thường được chia làm 3 dạng:
Dạng thứ nhất: bao gồm những hoạt động tham quan, vãn cảnh tại các cơ sở tôn giáo. Do tính chất chưa được rộng khắp, chưa thể hiện được hết ý nghĩa của du lịch tâm linh nhưng lại là hoạt động thường được mặc định là du lịch tâm linh.
Dạng thứ hai: là những hoạt động đi đến các địa điểm tín ngưỡng, tôn giáo, ngoài việc tham quan vãn cảnh thì còn để dâng hương , cúng lễ, cầu nguyện. Loại hình này rộng hơn những chỉ phù hợp với những người theo 1 tôn giáo nhất định
Dạng thứ ba: Mục đích là để tìm hiểu sâu về triết lý, giáo lý, phương pháp giúp bản thân trầm tĩnh, tâm hồn an yên từ đó cải thiện sức khỏe, hiểu được quy luật của tự nhiên và con người.

Các địa điểm du lịch tâm linh nhất định phải ghé qua tại Quảng Bình
Quảng Bình là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều di sản văn hóa phi vật thể cùng vật thể phong phú, đa dạng rải khắp các nền văn hóa, tín ngưỡng. Đây là nơi tiềm năng cho phát triển du lịch tâm linh với 122 di tích, 54 di tích cấp quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh, cùng với đó là hàng trăm những lễ hội lớn nhỏ.

Du lịch tâm linh ở Quảng Bình thường rải rác quanh năm nhưng chủ yếu tập trung vào mùa xuân, đầu năm và các ngày lễ. Với những địa điểm tâm linh nổi tiếng như: khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh,…

Chùa Hoằng Phúc
Nằm tại thôn Thuận Trạch, Mỹ Thủy, Lệ thủy, chùa Hoằng phúc đã tồn tại 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất miền Trung, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ 2015.

Trong thời cách mạng, chùa là nơi che giấu, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ Chùa bị bom đạn đánh phá, hư hỏng nặng nề nhưng vẫn giữ được nền móng, những bức tường rêu phong còn bám hơi bom đạn, cổng tam quan với những rễ cây cổ thụ quấn xung quanh. Tới đây du khách sẽ cảm nhận được sự trầm mặc, cổ kính, nhưng vô cùng hoành tráng của một danh lam cổ tự – chùa Hoằng Phúc.

Chùa Non- núi Thần Đinh
Núi Thần Định hay núi Chùa Non nằm ở phía Nam Thành phố Đồng Hới. Núi có hình dáng khác biệt với những ngọn núi chung quanh với hình đụn rơm lớn nhưng đỉnh lại bằng phẳng.

Đường lên núi Thần Đinh vô cùng thuận lợi, dọc theo đường Hồ Chí Minh đến An Ninh có một đường nhựa dài 8km trải dài lên phía Tây sẽ tới chân núi Thần Đinh. Tại đây, du khách phải vượt 1260 bậc thang đá, hai bên cây cối mọc rậm rạp che hết mặt đường để lên được chùa Non, càng lên cao du khách sẽ cảm nhận được không khí trong lành, thoáng đãng nhưng vô cùng linh thiêng của ngôi chùa.

Đặc biệt trên đỉnh núi có một khu đất khá bằng phẳng rộng gần 200m2 xưa là chùa Non nhưng bị chiến tranh tàn phá khốc liệt chỉ giữ lại được 1 ngôi miếu nhỏ và nền gạch cũ của chùa.
Hang Tám Cô
Hang Tám Cô nằm trên đường 20- tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh huyền thoại, nơi đã hứng chịu bom đạn tàn phá điên cuồng nhằm cắt đứt sự chi viện của Miền Bắc gửi vào Miền Nam. Nơi đây đã chứng kiến nhiều thanh niên xung phong hy sinh để giữ cho tuyến đường thông suốt.

Và câu chuyện bi hùng về 8 người thanh niên xung phong Thanh Hóa đã ngã xuống khi quyết tâm bảo vệ con đường chiến lược trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đã trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ mai sau. Vì vậy, hang Tám Cô đã là nơi tri ân của khách thập phương khi đến đây. Hang Tám Cô được cho là chốn linh thiêng nên những người kinh doanh thường vào dịp lễ đến cầu may rất đông.
Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa
Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa nằm cách Đèo Ngang theo quốc lộ 1A 2km, rẽ trái men theo đường mòn dài 500m sẽ tới đền thờ. Đền thờ nằm trên một khu đất bằng phẳng rộng 350m2, tựa lưng vào núi Hoành Sơn, nhìn ra hồ nước ngọt của xã Quảng Đông và hương Nam là biển.

Nơi đây có nhiều sự tích, cũng là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh trong đời sống tâm linh của nhân dân ta. Hằng năm, mỗi dịp xuân về rất nhiều tứ khách thập phương đến đây thắp hương, cầu tài lộc, sức khỏe.

Lăng mộ của Nguyễn Hữu Cảnh
Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tạo lạc trên núi An Mã, Trường Thủy, Lệ Thủy cách trung tâm huyện về phía Nam 25km theo đường chim bay.

Ông là vị khai quốc công thần, là người có công lớn trong việc khai hoang mở rộng cương vực xuống phía Nam dưới thời chúa Nguyễn. Ông có công xây dựng một cơ quan hành chính cho Biên Hòa ngày nay, đặt nền móng cho Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh miền Tây Nam Bộ khác. Lăng mộ được xây dựng trên một bãi đất rộng xung quanh có các công trình: lăng mộ, đầm sen, đồi thông, vườn cây ăn quả,… Đến đây du khách không chỉ được tìm hiểu những bài học lịch sử, hòa mình vào thiên nhiên thanh bình, giúp cho tâm hồn thư thái, giải tỏa căng thẳng.

Vũng Chùa – Đảo Yến – điểm đến của mọi khách du lịch
Vũng Chùa – Đảo Yến có vị trí nằm tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Nơi đây được đông đảo người dân cả nước biết tới là nơi an nghỉ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình. Nơi đây dần đã trở thành một điểm du lịch mà nhiều khách du lịch muốn tới tham quan.

Cách đèo Ngang 7km về phía Nam, Vũng Chùa được bao bọc bởi Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm( Đảo Yến) . Nơi đây có một vị thế rất đẹp không chỉ được bao bọc bởi 3 Hòn mà cảnh sắc xung quanh vẫn toát lên vẻ hoang sơ của núi rừng, với sự tươi mát bãi cát trắng trải dài hòa lẫn màu nước biển xanh trong.

Hằng năm, không kể dịp lễ Tết, hàng trăm nghìn du khách thập phương vẫn về đây để dâng hương tưởng nhớ người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam- Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Chùa Đại Giác
Từ lâu Chùa Đại Giác nằm tại phường Đức Ninh Đông đã là nơi được nhiều tín đồ phật tử, người dân địa phương và du khách đến chiêm bái nhẵm tìm lại được sự bình an, thanh thản giữa bộn bề lo toan của cuộc sống.

Chùa Đại Giác rộng khoảng 8000m2 với bức tượng phật A Di Đà nặng 40 tấn, cao 9m được làm bằng đá cẩm thạch trắng nguyên khối, đây là một trong những tượng A Di Đà lớn nhất cả nước. Trong khuôn viên chùa còn có Cửu tháp Di Đà với tượng Đức Tỳ Lô Giá Na Phật bằng ngọc bích đặt tại tầng 9 được thỉnh từ Myanmar, các tầng khác đều là tượng phật được sơn son thếp vàng. Tầng cuối thờ Đức Chuẩn Đề Bồ Tát nghìn tay cầm pháp bảo. Xung quanh sáu mặt của Cửu tháp là tượng Phật, Bồ Tát từ bi.

Chùa Đại Giác không chỉ là công trình tôn giáo, đây còn là địa chỉ du lịch tâm linh quen thuộc đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân trên cả nước.
Nhắc tới Quảng Bình, ngoài vẻ đẹp huyền bí, thơ mộng của cảnh sắc nơi đây thì chắc chắn không thể không nói tới các khu du lịch tâm linh. Những điểm du lịch tâm linh kể trên Qbtravel hy vọng sẽ giúp các bạn khám phá được nhiều hơn về mảnh đất xinh đẹp này. Chúc các bạn có một chuyến đi du lịch thú vị và tràn ngập vui vẻ!