ErrorException Message: Argument 2 passed to WP_Translation_Controller::load_file() must be of the type string, null given, called in /home/phsiibin/public_html/wp-includes/l10n.php on line 838
https://qbtravel.vn/wp-content/plugins/dmca-badge/libraries/sidecar/classes/ Chùa Kim Phong - Điểm du lịch tâm linh tại núi Thần Đinh - Quảng Bình

Chùa Kim Phong – Điểm du lịch tâm linh tại núi Thần Đinh – Quảng Bình

Quảng Bình từ lâu đã được biết tới với nhiều điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, chẳng hạn như Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Thác Tam Lu, Khe Nước lạnh,… Ngoài ra, khi nhắc đến du lịch văn hóa tâm linh thì không thể không kể đến Chùa Kim Phong – một trong những ngôi chùa linh thiêng tại Quảng Bình.

Núi Thần Đinh – Địa điểm văn hóa tâm linh đặc sắc

Núi Thần Đinh ngự trị bên dòng sông Long Đại thơ mộng, tọa lạc tại Thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Núi Thần Đinh cách trung tâm thành phố Đồng Hới 25km về phía Tây Nam với khoảng hơn 30 phút đường bộ.

chua-kim-phong-quang-binh
Núi Thần Đinh tọa lạc bên dòng Long Đại

Thần Đinh nằm trong vùng đất linh thiêng “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật” theo cách gọi của người dân địa phương. Tương truyền, khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai quân lính đánh quật núi này, bởi các vua chúa ở miền Nam buộc ngọn núi này tội bất nghĩa. 

Khi mà tất cả các núi ở Quảng Bình đều quay về hướng nam thì chỉ riêng Thần Đinh quay về phía bắc, theo lý giải trên, Thần Đinh bị gọi là núi Bất Nghĩa. Nếu đứng ở trên núi và nhìn về hướng đông, du khách sẽ nhìn ngắm được toàn bộ khung cảnh rộng lớn đồng xanh bát ngát.

chua-kim-phong-quang-binh-1
Khung cảnh bao la nhìn từ đỉnh núi Thần Đinh

Núi Thần Đinh không quá cao, chỉ tầm 342m so với mặt nước biển nhưng đây lại là ngọn núi tách dãy Trường Sơn ra khỏi đồng bằng ven biển. 

Chùa Kim Phong – Ngôi chùa mang nhiều sự tích nhất tại Quảng Bình

Chùa Kim Phong, hay còn gọi là chùa Non, tọa lạc ở độ cao trên 300m gần trên đỉnh núi Thần Đinh với vùng đất xây dựng khá rộng và tương đối bằng phẳng. Do thời gian và chiến tranh nên di tích còn lại của chùa là ngôi miếu nhỏ, những bức tượng và bệ thờ bám đầy rêu phong nằm dưới tán cây cổ thụ. 

Cạnh chùa có đất để trồng hoa, sườn núi có độ sâu thăm thẳm với cửa động nhỏ hẹp. Trong động có hai tầng với đá xếp chồng lên nhau như bàn ghế, lại có những viên đá y hệt như tượng Phật và cả thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Ngoài ra, động có giếng đá, nước chảy không bao giờ cạn, tục gọi là giếng Tiên. 

chua-kim-phong-quang-binh-2
Bức tượng Phật bên trong chùa Non – chùa Kim Phong

Xung quanh ngôi chùa cổ này có rất nhiều giai thoại hấp dẫn mà hiện nay vẫn còn được truyền tụng bởi người dân trong vùng. Điển hình phải kể đến: thời Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, Nội tán Đào Duy Từ ra giữ chức Thống suất đạo Lưu Đồn, thường lên chơi tại núi Đầu Mâu. Một ngày nọ, Đào Duy Từ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, hiệu là Hoàng Phủ, dặn ông rằng nếu đến chùa Thần Đinh sẽ trao cho pho sách thần. Đúng hẹn, Đào Duy Từ tìm đến chùa và hỏi thăm thì Hoàng Phủ nói: “Nhân lúc rảnh rỗi đến đây chơi, còn thì ở Bích Động”, rồi biến mất.

Hàng năm, vào dịp đầu xuân, hàng ngàn người từ khắp nơi hội tụ đến với Chùa Kim Phong – Núi Thần Đinh để cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình an và gặp nhiều may mắn trong năm mới. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức lễ hội núi Thần nhằm tôn vinh danh thắng, là dịp sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh và du lịch sinh thái của du khách mỗi dịp đầu xuân mới.

chua-kim-phong-quang-binh-3
Thắng cảnh nhìn từ phía bên kia sông

Chinh phục Núi Thần Đinh – Chùa Kim Phong

Để lên chùa Kim Phong và chinh phục ngọn núi Thần Đinh, du khách phải vượt qua 1265 bậc tam cấp bằng đá dưới tán cây xanh mát, mất khoảng chừng 40 phút. Dọc đường đi còn có hai ngôi mộ cổ được đắp đá rất đẹp, ai đến đây cũng sẽ khấn vái thắp hương. Không khí trong lành trên đỉnh núi sẽ khiến mọi người trở nên thư thái, rũ bỏ âu lo, bụi trần.

chua-kim-phong-quang-binh-4
Đường lên núi Thần Đinh – chùa Kim Phong

Sau khi thắp hương ở miếu cổ, du khách đến khu vực Giếng Tiên để lấy nước uống, dòng nước mát ngọt, trong vắt. Gọi là giếng nhưng thực chất đây chỉ là hốc đá nhỏ, nhưng nước ở trong không bao giờ cạn là thật, dù thời tiết có nắng nóng khô hạn hay người dân lấy nước liên tục đi chăng nữa.

chua-kim-phong-quang-binh-5
Người dân lấy nước tại Giếng Tiên

Người dân tin rằng đây là nước thánh, tích tụ từ các long mạch trên đỉnh núi, uống nước hay dùng nước rửa mặt sẽ mang lại nhiều may mắn. Ngày nay, du khách bốn phương đến vãn cảnh Chùa Kim Phong – Núi Thần Đinh đều mang theo mình chai nước để lấy nước từ Giếng Tiên về uống.

Hướng dẫn phương tiện và đường đi đến Chùa Kim Phong – Núi Thần Đinh

Các du khách có nhiều cách để di chuyển tới chùa Kim Phong – núi Thần Đinh, trong đó du lịch phượt Quảng Bình là việc được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đi phượt, các bạn có thể khám phá nhiều nơi cũng như nhiều nền văn hóa khác nhau. 

Từ thành phố Đồng Hới, du khách có thể đi đường biển theo thuyền ngược sông Nhật Lệ, lên Long Đại, rẽ vào sông Rào Đá là đến núi. Nếu theo đường bộ, du khách đi theo đường Hồ Chí Minh (nhánh đông) đến địa phận xã An Ninh, huyện Quảng Ninh có một con đường nhựa rẽ lên phía Tây, đi chừng 8km nữa đến chân núi Thần Đinh. 

chua-kim-phong-quang-binh-6
Núi Thần Đinh ngự trị giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ

Từ chân núi lên đỉnh, nơi có chùa Kim Phong, du khách phải vượt qua chặng đường dốc với các bậc đá tam cấp. Hai bên cây cối um tùm che gần kín mặt đường. Đứng trên đỉnh núi, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hữu tình say đắm lòng người của tỉnh Quảng Bình.

Các địa điểm du lịch hấp dẫn khác tại Quảng Bình

Ngoài chùa Kim Phong – núi Thần Đinh, Quảng Bình còn nổi tiếng với nhiều điểm đến tâm linh khác như chùa Hoằng Phúc, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại,… để dâng lễ và cầu an. Các bạn có thể tham khảo các địa điểm du lịch khác tại Quảng Bình qua bài viết du lịch Quảng Bình này.

chua-kim-phong-quang-binh-7
Chùa Hoằng Phúc – Ngôi chùa linh thiêng hơn 700 tuổi

Chùa Kim Phong – núi Thần Đinh là điểm du lịch văn hóa tâm linh vô cùng hấp dẫn, phù hợp với du khách đến vãn cảnh cầu an vào dịp lễ và đầu năm mới. Hy vọng nếu các bạn có dịp đến Quảng Bình thì đừng bỏ lỡ địa điểm này nhé!