Quảng Bình từ xưa đến nay nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây không chỉ sở hữu khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ vô cùng ấn tượng. Mà những di tích, dấu ấn lịch sử được lưu lại tại đây cũng sẽ khiến bạn không khỏi bất ngờ khi có dịp ghé thăm và tìm hiểu. Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình còn hơn cả một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, công trình kiến trúc này được xem là dấu ấn văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Quảng Bình nói chung. Theo lời kể lại thì ngôi chùa đã từng nơi được Phật Hoàng lựa chọn để thuyết pháp do đó mọi người tin rằng ngôi chùa này rất linh thiêng và đặc biệt. Cùng Qbtravel.vn khám phá vẻ đẹp và những điểm đặc trưng thú vị tại Chùa Hoằng Phúc nhé!

Giới thiệu Chùa Hoằng Phúc – Nơi ghi lại dấu ấn lịch sử
Chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa có niên đại lâu đời với hơn 700 năm tuổi. Trải qua dòng chảy thời gian, Chùa Hoằng Phúc được xem là chứng nhân lịch sử đã cùng đất nước đi qua bao thăng trầm từ chiến tranh liên miên đến thái bình thịnh vượng. Nếu bạn đang dự định có một chuyến đi tới Quảng Bình thì ngôi chùa này là một sự lựa chọn không tệ. Hãy cùng QBTravel điểm qua vài thông tin để hiểu hơn về ngôi chùa đặc biệt này nhé!
Chùa Hoằng Phúc ở đâu?
Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình trước kia có tên gọi là chùa Kính Thiên (chùa Trạm). Ngôi chùa này nằm ở phường Thuận Trạch bây giờ là xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.
Nằm ở dọc phía bên phải bờ sông Kiến Giang, chùa được xây trên vùng đất tương đối cao ráo có diện tích lên đến 10.000 mét vuông. Để đến được đây du khách cần đi thêm 4km về phía Nam từ trung tâm huyện Lệ Thuỷ và 55km theo Đường Hồ Chí Minh nếu đi từ Đồng Hới.

Để phục vụ cho chuyến du lịch này, du khách có thể lựa chọn một số loại phương tiện giao thông phổ biến tại Quảng Bình như bắt taxi, xe khách hoặc đi xe buýt… Tuyến xe buýt phù hợp đưa du khách đến Lệ Thủy là Tuyến B2: Đồng Hới – Kiên Giang. Chỉ mất chưa đến 50.000 đồng cho một lần di chuyển bạn đã có thể vượt quãng đường hơn 50 cây từ Đồng Hới đến Lệ Thủy để thăm Chùa Hoằng Phúc và cầu những điều may mắn.

Ngoài ra phương tiện phổ biến khác hay được du khách lựa chọn khi đi du lịch Quảng Bình nói chung và du lịch đến các điểm tâm linh văn hóa nói riêng là ô tô. Bạn có thể thuê ô tô tại Đồng Hới Quảng Bình để đi đến Chùa Hoằng Phúc và các điểm du lịch khác trong chuyến hành trình. Chỉ cần đi theo quốc lộ 1A rồi rẽ theo DT16 để đến thị trấn Kiến Giang bạn đã có thể đến được Chùa Hoằng Phúc.Với kinh phí ở mức vừa phải và độ tiện lợi đỉnh cao, hình thức di chuyển này ngày càng trở nên thông dụng và được rất nhiều du khách ưa chuộng.

Chùa Hoằng Phúc đã hình thành và phát triển như thế nào?
Ngôi chùa này được Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng dùng một số lượng bạc lớn để khởi công xây dựng. Ông nhận thấy nơi đây là một vùng đất thiêng, trước đó Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng đã ghé qua nơi này để cầu phúc cho muôn dân. Vào năm 1716, đất nước ta bắt đầu khởi công việc trùng tu các ngôi chùa, trong đó có chùa Hoằng Phúc. Sau khi trùng tu, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban tên cho chùa: “Kính Thiên Tự”.

Chùa Kính Thiên còn được trùng tu rất nhiều lần sau này như năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Sau lần trùng tu này vua Minh Mạng đã đổi tên chính thức mà ngôi chùa Hoằng Phúc Quảng Bình vẫn đang sử dụng (Hoằng Phúc Tự). Có thể thấy vua Minh Mạng rất coi trọng ngôi chùa này mà đã liên tiếp cấp bạc tu sửa chùa trong vòng 7 năm (1821, 1823, 1826).
Dấu ấn lịch sử tại Chùa Hoằng Phúc
Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình là ngôi chùa cổ có niên đại từ rất lâu, nó đã cùng đất nước trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử. Từ lúc đăng quang đến khi lụi tàn hay từ chiến tranh loạn lạc lầm than chờ đến khi tổ quốc được giải phóng…

Vào năm 1821, khi vua Minh Mạng có chuyến thăm đến đất Bắc đã đến trùng tu và đổi tên của ngôi chùa như được nhắc đến ở trên. Năm 1823, nhà vua tiếp tục ban thêm cho ngôi chùa 100 lạng bạc để tiến hành tu sửa, 3 năm tiếp theo là 150 lạng bạc. Có thể nói rằng nhà vua Minh Mạng rất coi trọng ngôi chùa Hoằng Phúc. Tại nơi này bây giờ đang được treo hai cặp câu đối chữ Hán để kể về lịch sử của ngôi cổ tự linh thiêng:
Tri kiến cổ am, huân nghiệp Trần triều tồn thắng tích;
Kính Thiên cựu tự, nhân duyên Nguyễn phủ tại danh lam!
Câu đối này được Ông Trần Trọng Khoái phiên âm dịch nghĩa:
Tri Kiến am xưa là công đức nhà Trần khéo tài bồi thắng tích;
Kính Thiên chùa cổ do nhân duyên triều Nguyễn đã phát triển danh lam!

Không chỉ vậy chùa Hoằng Phúc còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử hào hùng, đóng góp cho chiến thắng của cách mạnh nước nhà. Vào những năm 1930, Chùa Hoằng Phúc là một trong những cơ sở cách mạng, là nơi trú ngụ cũng như bàn việc nước của các cán bộ yêu nước.
Ngôi chùa này là nền móng vững chãi cho những thanh viên cách mạng thời đó, họ tập hợp lại tại đây để chống lại những địa chủ bóc lột thời xưa, thể hiện tình yêu nước sâu sắc cũng là nơi để tuyên truyền tinh thần đấu tranh đến quần chúng nhân dân.
Chùa Hoằng Phúc đã từng được chọn là nơi tập hợp và ra quyết định cho các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, đây là nơi mà các chiến sĩ chuẩn bị quân trang sẵn sàng, huấn luyện lực lượng binh sĩ, bàn chiến thuật,… để đi đến chiến thắng chung cho toàn nhân dân trong cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.
Vì trải qua những tổn thương do bom đạn của giặc mỹ gây ra, Chùa Hoằng Phúc cũng đã bị tổn hại nghiêm trọng, sau này ngôi chùa anh dũng này cũng được người dân địa phương dựng lại nhưng cũng bị cũng bị cơn bão phá hỏng vào năm 1985.
Khuôn viên và kiến trúc Chùa Hoằng Phúc
Khuôn viên của chùa Hoằng Phúc rất rộng rãi, ngôi chùa được bao quanh bởi dòng sông Kiến Giang. Đi sâu vào trong chùa là một lối đi được lát bằng gạch, hai bên được trang trí bằng thảm cỏ xanh và một số cây được cắt tỉa tỉ mỉ.

Với lịch sử hơn 700, ngôi chùa đã trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử. Ngôi chùa phải hứng chịu sự tàn phá của thời gian cùng chiến tranh và hầu như đã bị phá huỷ khá nghiêm trọng. Sau này, chùa Hoằng Phúc đã được các đội ngũ thiết kế có tay nghề cao tiến hành phục dựng. Đội phục dựng luôn nỗ lực cố gắng để giữ lại vẻ đẹp nguyên trạng nhất của ngôi chùa.
Ngôi chùa có kiến trúc cổ của thời nhà Trần bao gồm: Tháp phật, tam bảo chùa, tam quan ngoại, tam quan nội. Hiện nay, chùa Hoằng Phúc vẫn giữ trong mình vẻ đẹp cổ điển mà ít ngôi chùa có thể có được. Trong chùa có nhiều hiện vật như Địa tạng Vương Bồ Tát, tượng Phật bà Quan thế âm Bồ Tát. Đặc biệt ấn tượng với du khách còn có đại hồng chuông với chiều cao 1,15m, đường kính chuông lên tới 0,57m, chu vi rộng 1,45 m. Hay Giếng nước cổ (giếng Phật) ở phía mặt tiền với chiều rộng hơn 3m, xây bằng gạch đá ong đơn sơ nhưng độc đáo vô cùng…



Lễ hội tại Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình
Chùa Hoằng Phúc là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Quảng Bình. Đặc biệt từ sau khi được trùng tu vào năm 2014, vừa là chốn chùa chiền linh thiêng, vừa sở hữu vẻ đẹp độc đáo cùng dấu ấn kiến trúc lâu đời, địa danh này càng được du khách chú ý nhiều hơn và lựa chọn làm điểm đến trong chuyến du lịch đình chùa dịp tết của họ.

Để phục vụ nhu cầu này của du khách, UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp cùng với Ban Trụ trì của chùa Hoằng Phúc đã triển khai và đưa vào phát triển các hoạt động lễ hội đặc biệt. Du khách có thể đến đây vào khoảng thời gian từ mùng 1 đến 19 tháng Giêng hằng năm, bởi đây là thời điểm chùa Hoằng Phúc diễn ra nghi lễ truyền thống đặc sắc cùng các chương trình ý nghĩa như: Lễ rước nước từ vực An Sinh, Lễ tắm tượng Phật, Thuyết giảng, Tụng kinh đầu năm, Thiền trà, Thắp nến hoa đăng, hay Phóng sinh, Phát lộc, Xin chữ… vô cùng đa dạng.

Những điểm du lịch tâm linh khác tại huyện Lệ Thủy Quảng Bình
Nhà lưu niệm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Nếu đã tới với Quảng Bình và ghé thăm chùa Hoằng Phúc, QBTravel cũng muốn tư vấn cho bạn hãy đến thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một ngôi nhà nhỏ thuộc làng An Xá. Cùng với chùa Hoằng Phúc nơi đây cũng đã chứng kiến dòng lịch sử của đất nước và cả cuộc đời đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã sống tại ngôi nhà đến năm 13 tuổi, sau một vài lần chiến tranh thì nơi này cùng bị tàn phá nghiêm trọng.

Từ nhiều năm nay nơi đây vẫn là địa điểm quen thuộc của những chiến sĩ, đồng bào trên cả nước hướng về để bày tỏ lòng biết ơn đối với vị tướng đáng kính. Năm 1977, ngôi nhà đã được phục dựng theo đúng nguyên bản trước kia. Xung quanh nhà được treo rất nhiều ảnh của đại tướng, trong đó có những tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ kính yêu. Khi bắt gặp những hình ảnh này không ít du khách đã cảm thấy xúc động. Những hình ảnh sinh hoạt vô cùng đời thường nhưng từ đây đã xuất hiện vị anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Bến Phà Long Đại
Đi theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại để đến Chùa Hoằng Phúc, du khách có thể ghé thăm Bến Phà long Đại – Đền Tưởng Niệm Liệt Sĩ Trường Sơn. Thuộc địa bàn của 2 khu vực, bờ Bắc Bến Phà Long Đại thuộc thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, còn bờ Nam thuộc thôn Xuân Dục xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh; nay thuộc vị trí Km 1004 + 810, đường Hồ Chí Minh. Do đó nếu đến Chùa Hoằng Phúc theo đường hồ Chí Minh, bạn có thể tiện đường ghé thăm nơi tưởng niệm những vị anh hùng đã hy sinh cho hòa bình dân tộc – Bến Phà Long Đại.
>>> Xem thêm bài: Sông Long Đại – Vẻ đẹp hữu tình của du lịch Quảng Bình

Nơi đây là tọa độ máu vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi những tuyến xe chi viện từ hậu phương miền Bắc tiến vào chiến trường miền Nam. Chính vì vậy Bến Phà Long Đại đã phải phải hứng chịu không biết bao nhiêu cơn mưa bom đạn khắc nghiệt từ quân địch hòng ngăn chặn chi viện trên tuyến vận tải quan trọng này. Để duy trì mạch máu giao thông luôn thông suốt, rất nhiều chiến sĩ đã phải ngã xuống, máu và mồ hôi của các anh hòa làm một với đất trời nơi đây.

Để ghi nhớ về sự hy sinh anh dũng và một thời chiến tranh khốc liệt ấy, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn tại bến phà Long Đại đã được thi công và hoàn thành vào năm 2013 với 3 khu vực chính là nơi thờ tự linh hồn các anh hùng, liệt sĩ; tháp báo ân và tháp chuông. Du khách du lịch Quảng Bình có thể đến đây để thắp nén nhang và tưởng nhớ về công lao to lớn của những người lính anh hùng đã hy sinh cho sự nghiệp Tổ quốc.

Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Tọa lạc ngay giữa không gian xanh mát của dãy núi An Mã, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được gây dựng để ghi nhớ công đức của vị khai quốc công thần – Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ông là một kiệt tướng tài năng ở thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu và là người có công lớn trong quá trình mở nước và đặt nền móng ở phương Nam thời chúa Nguyễn, đặc biệt là khu vực Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ Việt Nam.

Đền thờ ông nằm cách trung tâm huyện Lệ Thủy 25km về hướng Nam, du khách có thể kết hợp chuyến thăm quan chùa Hoằng Phúc đến Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh để tưởng nhớ công lao và thể hiện lòng biết ơn đến vị tướng tài ba của dân tộc.
Hy vọng với bài viết này bạn đã biết thêm nhiều điều về ngôi chùa Hoằng Phúc ở Quảng Bình. Quảng Bình luôn là một điểm đến thu hút nhiều lượt khách vì những địa điểm không chỉ đẹp mà còn mang dấu vết của lịch sử. QBTravel luôn mong rằng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn về vùng đất này.